Làng tò he Xuân La - làng nghề độc nhất vô nhị ở Hà Nội

Địa phương
03:22 PM 23/06/2023

Làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề truyền thống nặn tò he. Không chỉ là một nghề mưu sinh, nặn tò he ở làng Xuân La từ lâu đã trở thành một nét văn hóa dân gian hiếm có của người Hà Nội.

Nghề nặn tò he của làng Xuân La xuất hiện khoảng 400-500 năm trước. Qua các thế hệ, nghề tò he được lưu giữ lại theo hình thức cha truyền con nối. Có thể nói, làng Xuân La là ngôi làng duy nhất ở Hà Nội và cũng là làng duy nhất ở Việt Nam cho đến nay vẫn giữ được nghề tò he truyền thống.

Tò he - đồ chơi dân giã cuốn hút nhiều em nhỏ. Ảnh: Người Hà Nội

Tò he - đồ chơi dân dan cuốn hút nhiều em nhỏ. Ảnh: Người Hà Nội

Tò he vốn là một loại đồ chơi dân gian làm bằng bột gạo nếp pha lẫn với đường, có thể ăn được. Ngày trước, tò he còn được gọi là bánh chim cò, bởi sản phẩm nặn của người dân làng tò he Xuân La lúc ấy chỉ có hình chim và cò được mang đến các hội làng. Rồi sau đó, các nghệ nhân đã sáng tạo gắn thêm cho mỗi chiếc bánh một chiếc còi, khi thổi phát ra tiếng "tò te tí te", nên sản phẩm được gọi chệch đi là "tò he".

Ở làng nghề truyền thống tò he Xuân La, hầu như cả làng ai cũng biết nặn tò he. Những người thợ tài hoa giờ đây không chỉ nặng những con vật truyền thống chim, cò mà còn làm ra những món đồ chơi, con vật sinh động, ngộ nghĩnh, khiến trẻ em và cả người lớn ngỡ ngàng, thích thú. Ngày nay các nghệ nhân Xuân La đã cập nhật sở thích, thị hiếu của các khách hàng trẻ và đáp ứng nhu cầu thị trường. Rất nhiều những hình tò he lạ mắt, phong phú như những nhân vật trong truyện cổ tích, truyện tranh được nặn ra như: Aladin, Người nhện, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới,...

Nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ nặn tò he hết sức đơn giản, nhưng thực tế đây như một môn nghệ thuật, đòi hỏi người làm phải khéo léo, sáng tạo, chính xác trong từng chi tiết thì mới tạo ra sản phẩm bắt mắt. Công đoạn nặn Tò He quan trọng là kỹ thuật luộc bột, làm bột phải ước lượng theo thời tiết. Mùa đông thì phải làm bột dẻo hơn mùa hè. Gạo phải chọn gạo nếp dẻo, nếp cái hoa vàng thì chất lượng hàng tốt và dễ làm hơn. 

Tìm về làng nghề độc nhất vô nhị ở Hà Nội - Làng tò he Xuân La - Ảnh 2.

Những con tò he sinh động, ngộ nghĩnh thu hút trẻ em và du khách. Ảnh: Lao động Thủ đô

Một sự kiện đặc biệt, đánh dấu sự hoạt động chuyên nghiệp và có tổ chức là năm 2009, làng nghề Xuân La chính thức thành lập Câu lạc bộ làng nghề truyền thống tò he. Đến nay, câu lạc bộ đã có hơn 100 hội viên chính thức bao gồm các thợ nặn và nghệ nhân xuất sắc tiêu biểu vững vàng.

Tháng 10/2010, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, người dân làng Xuân La đã mang đến 3 sản phẩm tò he được công nhận là kỷ lục Việt Nam. Đó là con rồng thời Lý nặng 300kg, con rùa nặng 250 kg và mâm ngũ quả nặng 25kg để quảng bá thương hiệu làng nghề truyền thống Xuân La với du khách gần xa. 

Các sản phẩm tò he của làng Xuân La được công nhận kỷ lục Việt Nam. Ảnh: CLB Làng nghề Truyền thống Tò He Xuân La

Các sản phẩm tò he của làng Xuân La được công nhận kỷ lục Việt Nam. Ảnh: CLB Làng nghề Truyền thống Tò He Xuân La

3 sản phẩm kỷ lục này đã được rước tại công viên Bách Thảo để tham dự Lễ kỷ niệm làng nghề phố nghề Thăng Long Hà Nội. Các sản phẩm cũng đã được trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao tặng cúp Kỷ lục về làng nghề truyền thống nặn tò he duy nhất tại Việt Nam.

Từ năm 2011 đến nay, các lễ hội vinh danh làng nghề của huyện, của các xã Chuyên Mỹ, Phú Yên, Phú Túc, gian hàng tò he và biểu diễn nghề nặn tò he của người Xuân La đều có sức hấp dẫn đặc biệt với người trong huyện và khách thập phương.

Những năm gần đây, với sự mở rộng thị trường sang các nước bạn như Mỹ, Nhật, Anh, Lào, Campuchia... thậm chí cả Trung Quốc, các nghệ nhân và các thợ nặn có tay nghề cao còn được mời sang nước ngoài để biểu diễn. Họ được hỗ trợ chi phí đi lại, sinh hoạt trong thời gian đi lưu diễn và có thu nhập rất cao sau mỗi chuyến đi.

Đến nay, những người con của Xuân La vẫn đang tiếp tục tỏa đi khắp các nẻo đường đất nước, vẫn miệt mài bên những khối bột đủ màu sắc. Để rồi mỗi độ xuân về, tiết Trung thu sáng trong, các lễ hội truyền thống hình ảnh những đứa trẻ đang tung tăng với con tò he đầy màu sắc trở thành nét chấm phá độc đáo, dễ thương.

Tìm về làng nghề độc nhất vô nhị ở Hà Nội - Làng tò he Xuân La - Ảnh 4.

Những sản phẩm Tò he của CLB làng nghề truyền thống tò he. Ảnh: Sở VHTT Hà Nội

Không chỉ là một thứ đồ chơi dân gian mang đậm hồn dân tộc, tò he từ lâu đã được xem như những tác phẩm nghệ thuật và có sức hấp dẫn đặc biệt với mọi người. Tuy nhiên, hiện nay nghề truyền thống này đang dần mai một, vì vậy, cần có biện pháp tích cực để bảo tồn và lưu giữ, để tò he luôn là nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân chia sẻ với báo chí, làng nghề nặn tò he ở Xuân La là làng nghề độc đáo với nhiều nghệ nhân có đôi "bàn tay vàng". Họ rất khéo léo, tỉ mỉ để đưa ra được sản phẩm đậm chất dân gian, giúp nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Hiện sản phẩm tò he đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Hiện nay, những nghệ nhân làng Xuân La vẫn trực tiếp làm và truyền dạy cho con cháu những sản phẩm của làng nghề. Tuy nhiên, niềm mong mỏi lớn nhất của họ là làm sao thời gian tới làng nghề tiếp tục phát triển và những thế hệ sau luôn tự hào, coi trọng và gìn giữ. Đồng thời nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc định hướng phát triển cho làng nghề. Đặc biệt là sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, tìm ra chất liệu mới để làm tò he không những đẹp mà còn bền hơn. Có như thế, làng nghề Xuân La mới phát triển hết nội lực của mình và tò he Việt Nam mới có thể bước chân vào "sân chơi" lớn hơn.

Nếu có dịp lên phố đi bộ Hồ Gươm vào dịp cuối tuần, bạn sẽ thấy một gian hàng tò he. Những nghệ nhân đó đều là người ở làng Xuân La.

Trẻ em và du khách được hòa mình vào thế giới sắc màu của tò he - Ảnh: VGP/Bích Phương

Trẻ em và du khách được hòa mình vào thế giới sắc màu của tò he - Ảnh: VGP/Bích Phương

Với những du khách muốn được khám phá quy trình và tự tay làm ra những con tò he xinh xắn, hãy đến làng Xuân La cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km. Nếu đi xe máy, các bạn đi thẳng Quốc lộ 1A. Đến huyện Phú Xuyên hỏi đường vào làng Xuân La sẽ được chỉ tận tình. Nếu đi xe bus, các bạn bắt xe 06E từ bến xe Giáp Bát đi Phú Túc (Phú Xuyên), xuống ở đối diện cột mốc km 5 - tỉnh lộ 429 rồi bắt xe ôm chừng 4 km vào làng.

Làng có câu lạc bộ tò he, họp 3 tháng/lần, tuy nhiên lịch họp không cố định và chỉ những thành viên của CLB mới được thông báo. Nếu đến làng đúng dịp, bạn có thể tham gia vào cuộc họp và xem các nghệ nhân trình diễn.

Minh An
Ý kiến của bạn